Sunday, April 22, 2007

Ba bà đi mắng… lợn to (!)

Trần Khải Thanh Thuỷ (Lược thuật).

1. Bà Đỗ thị Luyện 2. Bà thân thị Giang. 3. Bà Trần thị Tuyết

Sáng 30 tết, giữa lúc bà con Hà Nội tưng bừng đón tết, phố phường chìm trong cảnh vật náo nhiệt của ngày cuối năm…Từng làn mây bay cao, bay xa, ung dung, lãng đãng nơi bầu trời . Muôn hoa đua nở, cây cối tốt tươi… bà con dân oan đang bần thần thơ thẩn trước khí tết, cảnh xuân mà buồn cho mình, cho chế độ cộng sản mà mình không may rơi vào. Từ địa vị người dân lương thiện, hiền lành, chân chất, nhờ sự lãnh đạo tài tình của đảng: ” Trùng trùng quân đi như cướp, lớp lớp bà con hãi hùng, chúng đem xe ủi, san, lấp tan hoang nhà dân, ôi kiếp người vì ai tăm tối? “… bỗng tiếng còi cảnh sát vang lên, bóng áo vàng, áo xanh, áo nâu, áo đen chạy nhộn nhạo…Từ Hoà Bình, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Yên Bái, Ninh Bình v.v. Mỗi tỉnh một xe, cùng năm, bảy cán bộ công an, bảo vệ , dân phòng, theo chỉ thị của đảng bé cũng như đảng to, lầm lụi ra quân từ tinh mơ, mờ đất, tràn vào khuôn viên vườn hoa bắt người của tỉnh mình. Cứ hai, ba người đàn ông co kéo, xốc nách một người đàn bà bé nhỏ, còi cọc lên xe , miệng gầm gào, la lối:

- Các bà chạy đâu, chạy đâu hả? Có về để cho chúng tôi còn lo tết nhất không? Thật khổ! Năm hết tết đến rồi mà còn phải chạy theo các bà…Về! Về ngay! Về…

Người ít, xe đông, bảo vệ, công an đông gấp bội phần, kết quả sau hơn một tiếng đồng hồ vùng vẫy, chống cự, hơn hai mươi các chị, các bà từ bốn phương, tám hướng dồn tụ về, định ở lại vườn hoa ăn tết (do bà con Việt Kiều tài trợ) bị bắt hết lên ô tô về tỉnh nhà, chỉ 5 chị lợi dụng lúc hỗn dân, hỗn… công an là trốn thoát

Giữa mênh mông trời đất, bầu trời là nhà, mây trắng làm chăn, ghế đá là giường, gốc cây là bàn thờ tiên tổ, cả năm người cùng lặng lẽ đón xuân…Sáng 1, mùng 2 mùng 3 rồi mùng 4 qua đi. Sáng 6 tết, Chị Nguyên, Chị Thảo bận con nhỏ phải đi kiếm việc làm, Chị Giang, Chị Luyện cùng chị Tuyết sốt ruột tìm vào nhà từng lãnh đạo đảng và nhà nước, để cùng “chúc mừng năm mới”

Vừa kịp đến cổng nhà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- không ai bảo ai, tất cả cùng bắc loa miệng gào:

- Ối ông thủ tướng ơi là ông thủ tướng ơi! Ông có mắt hay mù mà để dân tôi đói khổ, mất đất đai nhà cửa như thế này hở ông ơi?

- Ông lên diễn đàn, lại còn lên… trực tuyến, ông ra oai thách thức với mọi người, dững là: Nếu không chống được tham nhũng thì ông từ chức…ảnh của ông giăng bầy khắp nơi cùng chốn, từ quảng trường, nhà khách, đến xó khu tập thể …ai ai là dân cũng biết, cũng thấy, cũng nghe, sao không từ chức đi ông ơi? Ông là tham nhũng cựu thần lại hô hào chống tham nhũng thì ai nghe, ai chịu hở ông?

Hễ bà này đuối sức, bà kia lại tiếp tục nối lời:

- Thử hỏi nếu ông chính chuyên, con ông lấy đâu tiền sang mỹ du học? Tiền ấy không phải ông ăn cướp của dân thì là tiền gì? Con ông giỏi giang tài cán gì mà cũng đòi sang tận Mỹ? Có mà học chọc bát cơm, học đơm miếng thịt…thì có, ới ông thủ tướng tham nhũng ơi.

Cứ thế cả buổi sáng, hết gào ở cổng nhà ông Nguyễn Tấn Dũng lại sang nhà ông Nguyễn Minh Triết , rồi ông Nông Đức Mạnh. Mỗi nhà một giọng điệu, du d ương trầm bổng không khác gì “dân ca quan họ Bắc Ninh” - Giữa Ba Đình lịch sử - nơi lắng hồn núi sông nghìn năm- cũng là nơi uất hờn, oan khiên hàng chục năm, ba bà thi nhau kể, thi nhau gào, gào từ mồng 5, gào qua mồng 7, từ chuyện nhà mình đến chuyện làng xóm, chuyện các ông lớn, chuyện quan tỉnh, quan say, quan ương ương dở dở…Hàng chục năm ngồi ghế lãnh đạo, không giúp được việc gì cho dân, chỉ ăn tàn, phá hại. Tàn đời ông, phá đời cha, hại đời con chưa đủ, còn đời cháu của dân nữa cũng không thoát khỏi cảnh mang công mắc nợ vì sự trì trệ, dốt nát, đỉnh cao trí tệ của tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là bọn lãnh đạo trung ương đương thời

Chuyện hay, chuyện dở, chuyện cười, chuyện khóc, giọng Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) hoà lẫn giọng Sơn Động (Bắc Giang)…Giọng miền núi( Chị Luyện), xen lẫn giọng đồng bằng( Chị Giang), kèm cả giọng thành phố( Chị Tuyết) cứ ô ố, ô ố, nghe như một bản “tình ca mừng Đảng, mừng xuân” giữa ngày 6 tết…Hễ chuyện gì động đến cảnh mất đất, mất nhà ,đói khổ, oan khiên là ba bà lại gào.

Không cần ai trợ lực, hiệp sức, cũng không sợ cô đơn, vóc hạc mình hài, không sợ bị bắt bớ, đánh đập. Hễ công an đuổi ở cổng nhà này lại chạy sang gào ở cổng nhà khác. Cả ba tiểu đội công an của cả ba nhà lãnh đạo dồn vào đuổi bắt, tra vấn thì ba bà cùng dõng dạc trả lời:

- Nếu bố mẹ các anh cũng như chúng tôi- ngày tết, ngày nhất không có chỗ mà về, phải lang thang hè đường, ghế đá, gốc cây, bãi cỏ, vệ đường, miệng cống, bãi rác thì các anh có ngồi canh cổng các ông lớn, như những con chó, đuổi bố mẹ đi cho khuất mắt không? Thử hỏi chúng tôi có tội gì, hở?

-Tôi mà có con như các anh thà tôi đập chết từ trong trứng còn hơn, cứ vì nước quên dân, vì thân phục vụ , để trăm dân khổ như thế này à?

Thét, gào, lử lả, đúng 12 giờ trưa, các bà mới lê bước về lại vườn hoa Mai Xuân thưởng, ăn uống qua loa, rồi l ăn ra ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau, sau nữa.

Chiều 8 tết, vừa kịp ăn uống, ngả lưng bên chân tượng Lý Tử Trọng, xe ô tô ghi biển kiểm sát: 31A-4801 của công an tràn vào bãi cỏ. Cả công an thành phố Hà Nội, công an phường Quan Thánh xông vào, tay ôm, tay tóm, bắt cả ba bà lôi đi xềnh xệch trước sự ngáo ngơ của mọi người. Cả ba người đàn bà vùng vẫy, chống cự:

- Chúng tôi không có tội, thả chúng tôi ra, bớ bà con, công an bắt người…

Đáp lại sự ồn ào huyên náo của đám đông khi số đông bà con xung quanh vừa kịp choàng tỉnh sau giấc ngủ , công an trả lời:

- Tội gì à? Tội kêu la, quấy rối trật tự suốt ba ngày tết trước cửa nhà lãnh đạo chứ còn tội gì? Ai cho phép? Ai xui, ai khích? Hả ?

Đám đông người dân bùng lên:

- Đảng và nhà nước cướp hết, phá hết tài sản, dồn dân đến bước đường cùng, không nhà không cửa, không nơi thờ cúng tổ tiên thì dân phải đến cửa các lãnh đạo kêu la chứ? Bố mẹ các ông bị đẩy vào chỗ chết như thế, ông bà tổ tiên các ông bị bỏ rơi như thế, các ông có cam lòng không?

- Đã thế các bà cứ kêu to ba hồn bảy vía các ông ấy lên:- Ới ông Mạnh, ông Dũng, ông Tr(i)ết ơi! Ông chết khôn, sống ngu, thù đồng bào hơn đồng đảng, đồng bành, đồng chí, nên dính H trung, N cộng , bán rẻ biên giới, bán rẻ lãnh hải, bán đại cả anh em xa lẫn láng giềng gần vào tay bọn tư bản đỏ, đổi lấy đô la, lẫn tiền vàng rồi, Ới ông Mạnh, ông Dũng, ông Tr…ết ơi!

Vừa rời khỏi xe, cả ba bị tống vào ba phòng khác nhau, đích thân ba thiếu tá : Nguyễn Thành Long, Trần Văn Chung, Hoàng văn Hoà (chỉ huy) trực tiếp hỏi cung, cán bộ Nguyễn Văn Đông viết biên bản bắt từng người lần lượt ký vào. Cả ba bà không ai bảo ai, nhất định không ký, chỉ một mực cãi:

- Chúng tôi không quấy rối, cũng không chống đối có tổ chức, chúng tôi chỉ đi kêu la để đòi lại quyền lợi của mình.

Không làm gì được các bà, tưởng vóc hạc mình hài, trói gà không chặt mà cứng đầu cứng cổ, trói cả lý lẽ, lập luận của công an vào chân tường của đồn. Bốn cán bộ, chiến sĩ cũng như lãnh đạo công an phường Quán Thánh phải để các bà viết tường trình, kể lại tỉ mỉ lý do, thời gian, mục đích đi kêu gào giữa ba ngày tết, trước tư dinh lãnh đạo ?

Bao nhiêu nỗi uất ức, tức nghẹn cả chục năm trời được ba bà khơi ra tràn trề trên trang giấy, công an phải đưa hết tờ này đến tờ khác mới đựng đầy nỗi khổ của các bà.

Bà Thân thị Giang, sinh 1957, từ một cô thôn nữ hiền lành, chịu khó, với gánh hàng xén ngay trước cưả, tần tảo nuôi mẹ đẻ, lui hui khuya sớm suốt 30 năm, bỗng chị dâu và cháu ruột nổi cơn tham, mượn tay lãnh đạo từ thôn tới xã, thông qua công an h uyện, đuổi ra khỏi căn nhà mặt đường để chiếm chỗ (ngay sau khi anh trai vừa khuất núi, khói hương trên bàn thờ người qúa cố chưa tan). Từ đó chị phải đưa mẹ già ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng tố cáo lãnh đạo xã cùng vào hùa với dã tâm thâm độc của chị dâu và thằng cháu mất hết tình người, chỉ vì mảnh đất mặt đường mà dứt tình máu mủ, ruột già, đẩy bà nội ngoài 90 và cô ruột vào đường cùng không lối thoát. Chỉ vài năm gối đất, nằm sương, thương mình, thương mẹ, cám cảnh nhân tình thế thái mà gương mặt chị già nua rúm ró như quả táo tàu. Mẹ già khóc loà cả hai mắt

Chị Đỗ thị Luyện, quê tận Sơn Động, Bắc Giang, một tỉnh miền núi đói nghèo, xơ xác, vốn yên phận với việc nhà cửa, ruộng đồng và 5 đứa con, không ngờ cháu Nguyễn Văn Chuyên (16 tuổi) đã mắc vòng oan nghiệt. Chỉ vì nể lời giúp cháu hàng xóm : “Chú Chuyên bắt hộ cháu con bọ chó, nó đốt ngứa qúa”, bị người cha tham tiền vu vạ. Thế là “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, công an địa phương, cán bộ toà án cùng vào hùa khép tội Chuyên 16 năm tù giam vì tội hiếp dâm vị thành niên (chưa đầy 6 tuổi), làm bà phải bỏ nhà, bỏ cửa, bán trâu, bán bò theo kiện từ năm 2000 đến nay. Không nhà lãnh đạo nào bà chưa tới, không cánh cửa toà án nào bà chưa qua, không đồn công an nào bà chưa chửi. Không viện kiểm soát nào bà bỏ qua. Nỗi căm tức vì đứa con dứt ruột đẻ ra ngày đêm bị cùm kẹp, tra tấn, giam hãm, khiến bà vượt qua cả bản năng sợ hãi, lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên như một quả cầu lửa, trút hận xuống đầu bọn quan tham, ô lại, gần tiền nên chỉ hôi tanh mùi tiền, cố tình vùi chôn tuổi thanh xuân của con trai bà, bóp nát gia đình nhỏ của bà. Vì thế vừa bị công an thả về trước tết, chiều 4 bà đã sấp ngửa ra đi…

Chị Trần thị Tuyết, vốn là phó chủ nhiệm hợp tác xã Hữu Nghị, Hải Phòng, từng chăm chỉ hạt bột, cần cù chất phác kiếm ăn như bao người phụ nữ “đảm việc nước, đoảng việc nhà” khác. Không ngờ mảnh đất 200 mét, nơi chị và gần 50 chị em xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất ( theo công văn số 16 cấp ngày 26/2/1971 và viện quy hoạch thiết kế thành phố Hải Phòng cho phép sửa sang cơi nới ngày 13-12-1972) sau 35 năm xây dựng và tạo lập, cùng bao công sức tiền của của hơn 50 con người bỏ ra đã bị lãnh đạo quận Ngô Quyền và lãnh đạo thành phố Hải Phòng cướp trắng.

Khi đó (1997) giá đất nâng lên, giá người tụt xuống, lãnh đạo thành phố cho người đến đọc lệnh cưỡng chế. Ngay lập tức mấy gian nhà, xưởng, toàn bộ tài sản, máy móc và hàng nghìn khăn mặt, vải vóc chưa kịp tiêu thụ bị cướp, phá, tịch thu … qúa xót xa trước sản nghiệp của cả một đời mà không hề được báo trước để đối phó, sơ tán, cả 50 con người lăn xả vào cầu cứu, chống đỡ, lập tức bị công an khoá tay chân bằng còng số 8, vứt như lợn ra lề đường …

Từ đó chị bắt đầu bản trường ca khiếu kiện, 5 năm, 10 năm mà không biết bao giờ mới kết thúc. Kể từ năm 2001, khi lãnh đạo quận và thành phố cho xây bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, năm nào vào dịp quốc hội chị cũng đứng trước cửa phòng họp 37 đường Hùng Vương gào, thét, la lối:

- Ới các ông các bà lãnh đạo V iệt Nam ơ i, các ông trong bộ chính trị ơi, các đại biểu quốc hội ơi, cứu Hợp tác xã chúng tôi mới, chúng tôi bị cướp đất, nhà xưởng và tài sản cả chục năm nay rồi. 50 gia đình đói khổ , hàng trăm con người mất việc, mất nghề, mất tiền bạc, tài sản, sống dở chết dở các ông các bà ơi

Không biết bao giờ công lý đến với mình, song bản thân chị đã phải chấp nhận những lời hù doạ vô cùng vô lý:

- Nếu tiếp tục khiếu kiện đòi đất, đòi nhà cho hợp tác xã, thì lãnh đạo sẽ không cần phải ôn hoà, “hữu nghị” nữa mà cho bọn xã hội đen “làm việc” ngay lập tức. Còn viết đơn kiện còn đánh cho gãy tay, qùe cẳng

Tháng 5 năm 2006, trước ngày khai mạc kỳ họp quốc hội, chị bị chiếc xe máy tông thẳng vào người, khi vừa đi khỏi dốc Ngọc Hà…Như có linh tính mách bảo, chị vọt lên vỉa hè thoát được , nhưng vướng phải gờ cống ngã ập xuống như một thân cây đổ, toàn thân xây sát bầm tím, nhưng xương cốt không bị gãy rạn gì…

… Sầm trời , mưa phùn rơi lất phất, chữ nhoè nhoẹt dưới ánh đèn, bụng đói như cào, các bà vẫn chưa được về. Cán bộ công an vứt cho mỗi bà một chiếc bánh bao để “lót dạ” qua đêm, sáng mai làm việc tiếp. Cả ba, tuy không trông thấy mặt nhau từ lúc bước vào đồn, song cương quyết không cầm, vì biết rõ mọi người không bỏ rơi mình. Cả 3 từng là nạn nhân của công an V iệt Nam , cũng từng là ân nhân của bà con dân oan vườn hoa Mai Xuân Thưởng trong những lần bị công an vây bắt nên chẳng lạ gì. Dù là công an thành phố, công an phường Hàng Bài, phường Bùi Thị Xuân, phường Thuỵ Khuê , Quán Thánh hay bất kỳ nơi nào trong thành phố , các bà cũng không sợ. Người ít như Bà Luyện cũng 7 năm khiếu kiện, hìền lành như bà Giang cũng mang trên vai cả chục năm , chị Tuyết cũng theo kiện từ năm 1997 đến nay

Con giun xéo mãi cũng quằn, đã chấp nhận làm thân trâu ngựa, giun dế, kiếm sống bằng lương tâm và đôi bàn tay tần tảo của mình mà người của đảng cũng chẳng để yên… Lời cổ nhân dạy cấm có sai: giặc giã là ai, giặc giã là dân đấy, nuôi dân không tử tế thì dân thành giặc. B ản thân các chị phải còng lưng nuôi đảng, chứ đâu đã để đảng nuôi lại ngày nào? Thế mà có miếng đất, nhà xưởng, cuộc đời thơ trẻ của đứa con dứt ruột đẻ ra chúng cũng cướp trắng, cướp không, báo hại bao con người mất việc, mất nghề, mất cả cuộc sống… Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, huống hồ cả tàu ngựa đau mà một ngọn cỏ cũng không còn, vì bãi cỏ đã bị người của đảng lập mưu chiếm mất

Đói, lạnh, căng thẳng vì phải đối đầu với đủ mọi mưu ma chước quỷ của công an từ chỉ huy đến chiến sĩ nhằm bắt các bà phải nhận tội, phải đầu hàng, nên khi vừa thấy người của mình vào, cả ba mừng rỡ, vồ lấy bánh bao và nước uống, ăn ngay tại chỗ… Hai cô cháu cùng tên, cùng ở Hà Nội, cùng mất đất, mất nhà là chị Đỗ thị Thuận và Bà Vũ thị Thuận “được phép” đưa đồ ăn thức uống cho từng người rồi lại bị “mời về” hết sức lịch sự, cương quyết

Cả đêm, ba người ở ba phòng ngồi bó gối chờ trời sáng , cứ lơ mơ thiếp đi một chút là muỗi lại vào phe với tham nhũng, nạn dân, đốt cho chí chết.

Sáng hôm sau lại vẫn “cảnh cũ, người xưa”, câu hỏi mới và cách trả lời…muôn năm cũ:

- Không ai xúi giục, kích động chúng tôi cả. Chúng tôi mất đất, mất tài sản mất quyền sống thì phải đi đòi. Đ ến cóc nhái thiếu vài giọt nước mưa còn nghiến răng trèo trẹo đêm này sang đêm khác rồi bảu nhau lên thiên đình thưa kiện nữa là thân phận con người như chúng tôi ?

Nhổ tư tưởng chống đối trong đầu ba bà, còn khó hơn nhổ cọng cỏ dại giữa đống đất đá. Đã đích danh chỉ huy, phó, trưởng đồn tra hỏi, dụ dỗ cả một ngày một đêm, lôi đủ các nghị định 31, 56 CP vẫn không ăn thua. Cuối cùng, sau 31 tiếng đồng hồ, lũ nạn dân phải thả chính nạn nhân của mình ra khỏi đồn, để các bà về “lon ton chạy về” với vườn hoa quen thuộc, trong tiếng khóc nghẹn ngào của hai linh hồn bất tử: Lý Tử Trọng và Mai Xuân Thưởng.

Hà Nội 28-2-2007
TKTT