Sunday, April 22, 2007

RFA phỏng vấn Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy

"Chưa thời nào mà làm dân khổ như thời CS mà cũng chưa thời nào làm quan lại sướng như thời CS".

Việt Hùng: Thưa bà Trần Khải Thanh Thủy, phải chăng bà chỉ viết những về những nỗi thống khổ của người dân?

Nv Trần Khải Thanh Thủy: Nói chung là tôi đề cập tới rất nhiều lãnh vực. Bởi vì tôi nghĩ đã là một người cầm bút cho nên tất cả những gì thuộc về sự thất, cái xấu nó lồ lộ phơi bày tôi đều nói. Tôi nói cả về hàng ngũ đảng và tôi nói cả những giọt nước mắt oan khiên của dân. Bởi vì trong tâm niệm của tôi là gì? không thể ngoảnh mặt trước cuộc đời dối trá này mà phải mở mắt ra và nhỏ lệ cùng dân. Dân Việt Nam khổ vô cùng, chính những người trong hàng ngũ đảng và nhà nước cũng phải thốt lên một câu là chưa thời nào mà làm dân khổ như thời CS mà cũng chưa thời nào làm quan lại sướng như thời CS. Chính vì thế cho nên bài viết của tôi tập trung vào dân oan cũng nhiều.

Việt Hùng: Bà có thể cho quý thính giả được biết một số những bài viết của bà?

Nv Trần Khải Thanh Thủy: Ngay đầu tiên là ngày 29/9 sau sự tự thiêu oan nghiệt của chị Phạm Thị Trung Thu, về cái chết của bà Phạm Thị Trung Thu, sau đấy thì không phải là công việc của tôi bởi vì trước thì tôi đi theo lãnh vực văn học nghệ thuật thôi. Nhưng tôi thấy dân oan khổ quá và người ta xuống đến tôi và mỗi người đưa cho tôi một chồng đơn, thế là tôi thấy là trong mỗi lá đơn của người dân đều chứa chất những giọt nước mắt oan khiên của họ. Người đi kiện 27 năm, người đi kiện 10 năm làm dân trong thời đại cộng sản là khổ ba họ khó ba đời tả tơi suốt kiếp làm người Việt Nam.
Tôi nghĩ là với sứ mệnh của nhà văn là phải biết nâng niu nỗi khổ của con người. Nên bây giờ nếu tôi bỏ qua nỗi khổ của họ thì tôi không còn xứng đáng để làm một nhà văn có lương tri nữa, thế là từ đấy tôi viết cả trăm bài về dân oan. Ngay sau đấy thì tôi viết một loạt bài như "Tinh thần Hà Nội Chiếc khăn sô" (lấy tên là Nhóm phóng viên Hà Nội như Nguyễn Xuân Mai, Phạm Xuân Mai và Mai Xuân Thưởng) , "Đêm dân oan nhớ về Ngô Tất Tố" (ký tên Nguyễn Thị Hiền) và một loạt bài viết tiếp theo như "Từ thân phận dân oan nghĩ về đảng CSVN".

Việt Hùng: Trở lại việc xảy ra vào đêm 2/9, sau khi công an họ áp tải bà trở lại quán internet thì họ đã có việc làm như thế nào đối với bà?

Nv Trần Khải Thanh Thủy: Nói chung là họ rất là thô thiển. Công an Việt Nam, tôi không biết là họ được đào tạo như thế nào nhưng họ thể hiện một thái độ đứng ngoài pháp luật, đứng trên dư luận và rất vô văn hóa. Thí dụ như ngay đầu tiên tôi nói là tôi không có tội, cho tôi về nhà với con tôi vì hai đứa con tôi đang ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà sợ. 11 giờ đêm rồi mà không thấy mẹ, không có bố thì hai chị em gái nó rất sợ. Lúc ấy là nó nhắn tin cho tôi liên tục nhưng người ta cũng không cho tôi nghe điện thoại. Khi tôi dở điện thoại ra thì coi như họ có thái độ dằn điện thoại của tôi để cướp, thế là tôi vội vàng nhét trở lại túi của tôi. Họ luôn luôn cầm mạng sống của tôi treo trước cơ quan an ninh, nghĩa là họ bảo tôi "bán nước hại dân". Tôi chỉ nói là nước ở đâu ra mà tôi bán, hỏi xem các quan thầy ai là người bán nước ai là người hại dân. Họ luôn luôn chỉ thẳng tay vào mặt tôi và bảo sẽ đánh tôi gẩy răng và đánh tôi không còn răng để mà ăn cơm. Sau đấy bắt tôi ngồi trong tận gốc quán và nộp ổ USB cho họ, tôi bảo tôi không nộp bởi vì tôi chẳng có lỗi gì cả.

Việt Hùng: Ngày 2/9 thì họ có cho bà trở về nhà hay không?

Nv Trần Khải Thanh Thủy: Không. Nghĩa là ngay sau đấy thì họ dùng biện pháp cưỡng ép thân thể tôi, bẻ ngoặt tay tôi ra đàng sau để cho một nữ nhân viên tên là Yến thò tay vào túi quần của tôi để lấy USB của tôi, sau đấy thì lấp ổ USB của tôi trở vào máy để in tài liệu ra. Tập đầu tiên họ in ra là "HCM, nhân vật trăm mặt nghìn tên", bắt tôi phải ký vào đấy và cho rằng đấy là tài liệu phản động. Tôi cũng chỉ nói rõ một điều là tôi không nói xấu đảng, không nói xấu bác Hồ mà tôi chỉ nói thật trên cơ sở cái xấu đã lồ lộ phơi bày. Nghĩa là sau khi họ cưỡng bức lấy ổ USB của tôi thì họ đưa tôi về đồn. Đầu tiên họ định nhét tôi lên phía sau của xe ô tô chỡ tù nhân nhưng tôi bảo tôi không có tôi cho nên tôi không ngồi ở vị trí đấy, thà chết đứng còn hơn sống cùn. Thế là họ đưa tôi lên ngồi phía đầu. Sau đấy thì họ đưa tôi vào đồn. Suốt đêm hôm đấy là tôi trãi qua một đêm vô cùng căn thẳng. Và trong bài viết của mình tôi đã nói là "một đêm khốn nạn và 7 ngày ô danh" tường trình lại toàn bộ cái đêm mà tôi chịu đựng ở đấy - đồn công an phường Đức Giang quận Long Biên. Đêm hôm đấy họ giữ tôi tại đồn, đến 9 giờ sáng thì tự nhiên tôi thấy là mọi người hoảng hốt lên và bảo là "đi đi, không hỏi han, không trò chuyện gì nữa. Đi ngay, đi ngay" và tôi bị áp giải ra xe ô tô. Khi tôi về đến nhà thì họ đọc lệnh khám.

Việt Hùng: Tức là bà nói là đêm 2/9 thì họ giữ bà và đến 9 giờ sáng ngày 3/9 thì họ đưa bà về nhà và họ đọc lệnh khám nhà bà?

Nv Trần Khải Thanh Thủy: Vâng, họ đọc lệnh khám. Còn trước đấy, từ 11 giờ đêm khi tôi bị bắt ở quán internet thì gia đình tôi cũng bị kềm tỏa, 4 người công an vào trong nhà tôi để canh giữ chồng con tôi, nhất cử nhất động đều bị theo dõi. Nghĩa là họ vô hiệu hóa mọi động tác của chồng tôi vì họ sợ rằng computer sẽ bị sai lệch đi, bị xóa đi.

Việt Hùng: Sáng ngày 3/9 họ đọc lệnh khám nhà bà như vậy, họ lấy đi tài liệu nào, thưa bà?
Nv Trần Khải Thanh Thủy: Nghĩa là nhà tôi bị moi rỗng hết cả - 4 tiếng đồng hồ lục lọi.
Việt Hùng: Tài liệu họ thu giữ tại nhà bà có nội dung gì?

Nv Trần Khải Thanh Thủy: Hoàn toàn là tôi rút ở trên internet về. Tài liệu ví dụ như ở trên mạng thí dụ như nói về góp ý với đảng CSVN chẳng hạn, hay "gởi ngài Nông Đức Mạnh" hay "nói rõ hơn về vấn đề Tổng cục II" còn ngoài ra là đơn từ của bà con.

Việt Hùng: Ðể tiếp tục câu chuyện, thưa nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, lệnh khám nhà như vậy, rồi bà lại phải tiếp tục làm việc với công an nguyên ngày mùng 3, rồi mùng 4, mùng 5-09, và cuối cùng kết thúc những buổi làm việc đó như thế nào?

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Dạ, không hề kết thúc, bây giờ mới là phần đầu, phần nổi của cả một tảng băng chìm. Sau cả một tuần làm việc họ mới chỉ khui những tài liệu trong ổ USB của tôi này, ở trong 21 cái đĩa mềm và 8 cái đĩa CD trong cái máy Computer của tôi. Riêng cái máy Computer là đã chiếm tới 4 ngày rồi, hai ngày đầu là in tất cả những tài liệu mà tôi để trong máy, còn hai ngày sau thì họ dùng dữ liệu phần mềm để mà lôi toàn bộ những phần viết từ năm 99 mà tôi đã xóa đi cho nhẹ máy, nhưng họ vẫn tiếp tục lôi ra, mọi thư từ gửi cho bạn bè và những trao đổi.... đều bị họ khui ra hết. Kể cả những lá thư không hề liên quan gì đến công việc mà tôi đang làm cũng bị lôi ra, và họ lại bắt tôi phải ký vào nữa. Đến bây giờ thì công việc mới dừng lại ở chỗ đấy. Coi như mới kết luận là họ đã thu giữ được 1,629 tài liệu, trong đó có những tác phẩm như "Đêm giữa ban ngày", "Tổ quốc ăn năn", "Viết cho mẹ và cho quốc hội", hay "Mây Mù" của Bùi Tín... những tập sách rất dày mà tôi rất quý, rất nâng niu trân trọng mà tôi giữ được. Hay "Suy tư và ước vọng" của Nguyễn Thanh Giang, thế rồi cả những loạt bài viết về dân chủ của ông Mai Anh, Hứa Hoành, Lưu Vũ.. họ khui ra hết. Riêng mạng dân oan thì họ thu 1,629 đơn thư, hồ sơ của bà con.

Việt Hùng: Thưa bà, bây giờ đã là chiều tối ngày 11/9 rồi, những công việc đó thì bà vẫn tiếp tục phải làm việc với công an ạ?

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Chắc chắn là còn phải tiếp tục làm việc vì họ chỉ mới khui được phần computer và phần tài liệu bề nỗi thôi, họ còn phải tiếp tục moi các dữ liệu ở trong máy điện thoại của tôi nữa. Họ sẽ còn phải lục vấn những tư tưởng, moi trong đầu tôi ra những tư tưởng oan nghiệt... phần đấy mới là phần mất thời gian, đó mới là chính yếu.

Việt Hùng: Bà vẫn nói rằng bà là một nhà văn, là một người cầm bút. Nhà văn thì phải có cái cảm trước thời cuộc.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Tôi chỉ muốn nói là trong quãng thời gian ngắn ngủi "một đêm khốn nạn và 7 ngày ô danh" như thế thì người ta mới chỉ khai thác được tôi về nguồn tài liệu, người ta thu giữ tại nhà tôi và người ta in từ trong máy in ra thôi. Nghĩa là hơn 10,000 trang tài liệu họ in từ trong máy ra. Còn phần tiếp theo thì tôi nghĩ là chắc chắn họ sẽ phải mời tôi lên khai thác những số điện thoại của tôi, mối quan hệ của tôi. Nghĩa là tại sao tôi có những số điện thoại này, ai nhắn tin cho tôi thế nọ thế kia.

Việt Hùng: Nhưng trên căn bản bà là một nhà văn, luật pháp cũng đặt qui định rất rõ là quyền của người viết văn.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Vâng, nói chung là luật pháp nước này thì có cả một rừng luật. Nếu nói về lý thì tôi là hội viên Hội nhà văn Hà Nội, thế mà khi tôi vào hội đã có công an đến hỏi chị Phan Thị Thanh Nhàn là tại sao lại kết nạp Trần Khải Thanh Thủy vào hội. Vì thế cho nên dù không phải là hội viên Hội nhà văn Việt Nam nhưng tôi vẫn là một nhà văn Việt Nam bởi vì tôi có rất nhiều đầu tác phẩm. Tôi có 17 tác phẩm mà cục bản quyền đã cấp giấy phép, cấp bản quyền cho tôi. Trong đó có những tác phẩm như Hồ Xuân Hương, Lưu Hương ký là ??? đã được dịch ra tiếng Mỹ và đang bán ở Mỹ.

Việt Hùng: Trở lại câu hỏi chúng tôi nói rằng bà là người cầm bút và là nhà văn, trong luật pháp của Việt Nam cũng có những điều khoản qui định rất rõ là quyền bất khả xâm phạm tới quyền của người cầm bút phải không?

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Vâng, tất nhiên. Tôi vừa nói rồi, pháp luật Việt Nam có cả một rừng luật nhưng họ luôn luôn đối xử với người dân theo kiểu luật rừng, theo kiểu côn đồ. Đối với tôi là một nhà văn, một người cầm bút có quan điểm của mình và muốn bày tỏ quan điểm của mình với đám đông cũng bị họ trấn áp, hết lần này đến lần khác. Đây là lần thứ 3 tôi bị bắt, tôi bị đám đông công an, hai ba chục người vây bắt chớ không phải lần đầu tiên.

Việt Hùng: Nhưng bà có nghĩ rằng những bài viết của bà phổ biến trên mạng lưới toàn cầu internet như vậy nó là một trong những lý do để tạo nên sự tra vấn của cơ quan công an đối với bà?

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Vâng, đúng thế. Cái gì có lợi cho dân chủ là bất lợi cho độc tài - cả những bài viết của tôi.

Việt Hùng: Trước khi chấm dứt câu chuyện bà có muốn bày tỏ điều gì tới các bạn hữu văn nghệ sĩ, cũng như những người cầm bút và những người quan tâm tới tình hình ở tại Việt Nam?

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy: Tôi chỉ muốn như thế này, là nhà cầm quyền Việt Nam hãy đối xử một cách cho đàng hoàng, có học một chút. Hãy để cho tôi được quyền sống như mọi người bình thường. Trước cửa nhà tôi, sau bước chân tôi và chồng tôi luôn luôn công an nó bám. Nó làm như thế thì tốn tiền của dân. Bởi vì những đồng lương trả cho công an là thuế má của dân và là mồ hôi nước mắt của dân nữa. Bằng mọi cách họ trấn áp tôi là không được vào mạng internet. Cụ thể là ngay ngày hôm kia, 1 giờ chiều ngày 9/9/2006 khi tôi đi khám bệnh, giữa giờ giải lao thì tôi có vào một quán internet, thế mà họ cũng vào đấy để họ trấn áp tôi. Tôi chỉ muốn là tôi được làm một người dân bình thường. Được cất cao tiếng nói dân chủ của mình. Tôi rất cảm động vì những ngày qua những nhà dân chủ không bỏ rơi tôi. Tôi vẫn nhận được những bài viết rất cảm động. Những công việc của các nhà dân chủ giúp tôi là một cơ hội để cho tôi được bày tỏ nỗi thống khổ của mình. Làm một người dân, làm một nhà văn mà lại bị trấn áp về mặt tinh thần, về mặt tư tưởng như thế. Tôi không làm điều gì trái với luân thường đạo lý cả, mà tôi luôn luôn làm theo đúng đạo đức truyền thống của cha ông để lại. Nghĩa là thấy người khổ hơn mình, thấy nỗi khổ của người dân thì không ngoảnh mặt đi. Không ngoảnh mặt lại với cuộc đời dối trá. Không đẽo lấy gỗ, không đeo mặt nạ để ăn trôi nói leo.

Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, xin cám ơn nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc nói chuyện ngày hôm nay.

âm thanh