Thursday, April 26, 2007

VN bắt thêm một nhà bất đồng chính kiến

[tin]
Bà Trần Khải Thanh Thủy
Bà Thủy đã từng được trao giải thưởng về nhân quyền
Nhà chức trách tại Hà Nội vừa bắt thêm một nhân vật bất đồng chính kiến, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.

Bà Thủy, năm nay 47 tuổi, bị bắt hôm thứ Bảy tuần qua tại Gia Lâm, Hà Nội.

Báo Nhân Dân của Đảng Cộng Sản hôm nay, thứ Hai 23.04 đưa tin rằng bà "xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội Việt Nam và vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền".

Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì nói bà Trần Khải Thanh Thủy bị bắt vì "hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự".

Đây cũng chính là điều luật mà các nhân vật bất đồng chính kiến khác như hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân và linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý bị cho là "vi phạm".

Hồi tháng hai vừa qua, Tổ Chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ đã trao giải thưởng Hellman/Hammett cho bà Thủy cùng bảy người Việt Nam khác.

Bà là phụ nữ duy nhất được trao giải này vốn là giải mang tên hai nhà cầm bút cánh tả Mỹ được vinh danh vì đấu tranh cho dân chủ và quyền con người.

Lệnh bắt giữ

Trả lời phỏng vấn với cộng tác viên đài BBC London, ông Đỗ Bá Tân, chồng bà Trần Khải Thanh Thủy, cho biết bà Thủy bị còng tay bắt giữ tại một địa điểm internet cafe cách nhà không xa sau khi bà đi mua thuốc vì bà Thủy hiện vừa bị lao, vừa bị tiểu đường.

Ông Tân cho biết điều tra viên của lực lượng công an thành phố khi dẫn bà về nhà đã đọc hai lệnh: lệnh bắt tạm giam bà Trần Khải Thanh Thủy và lệnh khám nhà khẩn cấp.

Được biết, đến hôm nay, thứ Hai 23/4, bà Thủy đã bị bắt đi ba ngày mà chồng bà vẫn không hề có tin tức gì.

Điều tra viên công an đã đọc hai lệnh: lệnh bắt tạm giam bà Trần Khải Thanh Thủy và lệnh khám nhà khẩn cấp.
Ông Đỗ Bá Tân

Được biết khi bị giải đi khỏi nhà bà Thủy đã hô to khẩu hiệu đả đảo Đảng cộng sản Việt Nam và đả đảo công an bắt người vô cớ.

Bản tin AFP hôm 23.04 nói rằng vụ bắt bà Thủy là "một phần của chiến dịch lớn nhằm vào các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam".

Báo chí Việt Nam, từ Hà Nội Mới, Lao Động, Thanh Niên, Công an Nhân dân v.v. thời gian qua cũng có bài lên án các hoạt động đối lập dân chủ.

Nhóm Tập hợp Thanh niên Dân chủ của Nguyễn Tiến Trung, một sinh viên Việt Nam tại Pháp, cũng được đưa vào dạng này.

Quan hệ Việt-Mỹ

Thời gian qua, quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam có những bước trầm vì sự khác biệt quan điểm về nhân quyền và cách đối xử các nhân vật bất đồng chính kiến không bạo lực.

Tin tức từ Hoa Kỳ cho hay hôm 19 tháng Tư vừa qua, dân biểu Christopher Smith đã trình lên Uỷ ban Đối Ngoại của quốc hội Hoa Kỳ dự thảo nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm dân chủ và nhân quyền.

Được biết tới đây Hạ viện Mỹ sẽ có buổi biểu quyết về nghị quyết này.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Michael Marine gần đây cũng bị chỉ trích trong Hạ viện vì đã không làm đủ để thúc đẩy vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Chiến dịch bắt và xử tù nặng các nhân vật đối kháng sau khi Việt Nam vào WTO và trước chuyến thăm Hoa Kỳ mùa hè này của Chủ tịch Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết được giới bình luận nước ngoài quan tâm đánh giá.

Có ý kiến nói phe "bảo thủ" muốn cản trở chuyến đi thành công như mong muốn của phe "cải tổ".

Nhưng có ý kiến khác cho rằng không tồn tài hai phe như nói trên ở Việt Nam mà chỉ có các khác biệt quyền lợi và quyền lực.

Ý kiến này cũng nói nhà cầm quyền Việt Nam hiểu được mong muốn làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam của Hoa Kỳ nên cũng không ngần ngại "xử lý" các nhân vật đối kháng.

Mặt khác, có vẻ như đảng cầm quyền không thể chấp nhận hoạt động chính trị theo một hình thức mới nên cách duy nhất là trấn áp đối lập.

source: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/04/070423_trankhaithanhthuy.shtml